Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

          1. Điều kiện tự nhiên:

Xã Quyết Thắng là xã vùng III nằm cách trung tâm huyện 23km có tuyến đường tỉnh lộ 244 chạy qua, tổng diện tích tự nhiên của xã là 2.857,66ha; Xã có 08 thôn với 1.119 hộ, với 4.985 nhân khẩu chủ yếu có các dân tộc là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Thái, Cao Lan và một số dân tộc khác cùng đoàn kết sinh sống. Số hộ nghèo năm 2020 là 173 hộ, chiếm tỷ lệ 15,4%, hộ cận nghèo là 216 hộ chiếm tỷ lệ 19,3%;

+ Vị trí địa lý: Xã Quyết Thắng nằm ở phíaTây Bắc huyện Hữu Lũng - tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm huyện Hữu Lũng 23 km, ranh giới hành chính của xã  như sau:

- Phía Bắc giáp xã  Nhất Tiến, huyện  Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

- Phía Nam giáp xã  Tân Lập  huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

- Phía Đông giáp xã  Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

- Phía Tây giáp xã  Bình Long huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Xã có con đường 244 chạy qua địa bàn nối liền giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại và lưu thông hàng hóa trong vùng.

+ Địa hình:

            Đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh. Dạng địa hình phổ biến ở Lạng Sơn là núi thấp và đồi, độ cao trung bình 252m so với mặt nước biển, nơi thấp nhất có độ cao là 20m. Diện tích đất nông nghiệp thì tương đối bằng phẳng tập trung ở trung tâm xã. phù hợp với điều kiện trồng lúa nước ở địa phương.

2. Lịch sử hình thành:

UBND xã Quyết Thắng có tiền thân từ Uỷ ban kháng chiến xã Vô Muội, tháng 8 năm 1953 tách thành 2 xã là Yên Bình và Quyết Thắng. Đến năm 1973 đổi thành UBND xã Quyết Thắng. Trong thời kỳ đó ban lãnh đạo xã gồm 6 cán bộ và 13 Đảng viên: Đồng chí Nguyễn Bảng làm bí thư chi bộ, đồng chí Phùng Săn làm chủ tịch ủy ban hành chính, đồng chí Nguyễn Văn Báu làm ủy ban mặt trận tổ quốc, đồng chí Triệu Văn Sằn làm bí thư Đoàn thanh niên, đồng chí Luông Thị Tính làm hội trưởng Hội phụ nữ, đồng chí Luận Văn Soi làm bên hội chữ thập đỏ. Sau thời gian hơn 40 năm phát triển, tới nay UBND xã Quyết Thắng đã 21 cán bộ công chức và 141 Đảng viên;

3.  Quá trình hình thành và phát triển

Nằm trên vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử quốc gia dân tộc. Cộng đồng dân cư được hình thành và phát triển, dưới thời Pháp thuộc xã Quyết Thắng có tên là Vô Muộn thuộc tổng Vân Nham huyện Hữu Lũng. Ngày 05 tháng 11 năm 1889 thực dân Pháp cắt toàn bộ đất đai của Hữu Lũng để thành lập tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam chỉ tồn tại đến tháng 8 năm 1891 và được thay thế bằng Đạo quan binh Phả Lại; ngày 10 tháng 10 năm 1895 Đạo quan binh Phả Lại giải tán, tỉnh Bắc Giang được thành lập gồm hai phủ Lạng Giang và Đa Phúc. Hữu Lũng thuộc phủ Lạng Giang tỉnh Bắc Giang, ðến nãm 1908 ðổi thành châu Hữu Lũng gồm 02 tổng Vân Nham và Thuốc Sõn với 15 xã, xã Vô Muộn thuộc tổng Vân Nham châu Hữu Lũng.

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, Chính phủ Cách mạng lâm thời tiến hành xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước mới. Ngày 08 tháng 9 năm 1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân Đại hội (Quốc hội) trong cả nước. Ngày 21 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 quy định về bầu cử, tổ chức, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tổ chức Chính quyền mới gồm 04 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã; xóa bỏ cấp tổng; xã Vô Muộn thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Bắc giang, gồm có các thôn Kép, Bầm, Rẫy, Làng Bông, làng Trãng, Đồng Xa, Làng Trang, Làng Lỷ, Làng Gạo, Quý Xá, Đồng La. Cuối năm 1948, xã Yên Bình được thành lập gồm 02 xã Bảo Lộng và Vô Muộn. Đến ngày 30 tháng 11 năm 1953 xã Yên Bình tách ra thành 03 xã: Hoà Bình, Yên Bình, Quyết Thắng; xã Quyết Thắng gồm các thôn: Kép, Bầm, Rẫy, Làng Bông, làng Trãng. Sau đợt giảm tô, cải cách ruộng đất, ngày 29 tháng 7 năm 1956, do yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn bao gồm 24 xã, xã Quyết Thắng thuộc huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn.

4. Truyền thống lịch sử

Xã Quyết Thắng có vị trí tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nên từ xa xưa nhiều gia đình do hoàn cảnh khác nhau đã đến nơi đây sinh sống; từ khi đến Quyết Thắng những người dân nơi đây đã làm cho mảnh đất này đa dạng về văn hóa. Phong tục tập quán ở Quyết Thắng mang đậm bản sắc của khu vực miền núi phía đông Bắc Bộ, hiện nay các dân tộc tiểu số vẫn giữ được nét văn hóa riêng, tạo nên các giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần làm nền tảng tinh thần xã hội, trở thành những nhân tố tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương. Nổi bật là những nét văn hóa trong phong tục tập quán, lễ hội … gắn với mùa màng thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên, đất nước, niềm tự hào quê hương.

Các giá trị văn hóa vật thể khá phong phú, hệ thống di tích văn hóa - lịch sử như: Đình làng Trãng, chùa Trầm Bông, đình làng Rẫy, đình làng Kép, đình làng Bầm, chùa Thắng làng Kép. Từ những năm 80 của thế kỷ XX một số ngôi đình xưa không còn nữa do thời gian lâu dài không được tu sửa, hiện nay chỉ còn đình làng Trãng, đình làng Bầm. Ngày nay các nghi lễ cộng đồng ở đình, đền, các sinh hoạt văn hóa trong dịp hội làng, lễ tết cổ truyền vẫn được nhân dân gìn giữ diễn ra khá sinh động. Các hình thức sinh hoạt dân gian thể hiện đời sống tinh thần phong phú của nhân dân.

Truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc xã Quyết Thắng là thành quả kết tinh qua nhiều thế hệ, qua quá trình bền bỉ lao động sản xuất cải tạo thiên nhiên, kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ xóm làng, bảo vệ nền độc lập đã được hun đúc, góp phần làm phong phú bản sắc làng, xã Việt Nam. Tự hào về truyền thống quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân xã Quyết Thắng đã và đang ra sức quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhân dân xã Quyết Thắng chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, đã trải qua hàng trăm năm khai phá rừng rậm, san đồi, lấp suối làm nên những thửa ruộng, cánh đồng, nương bãi để sinh tồn, người Quyết Thắng phải chống chọi với thiên nhiên cho nên trong tiềm thức của người dân có một tình yêu quê hương, tình yêu đất nước đã nẩy nở và nuôi dưỡng từ lâu, nó trở thành điểm tựa và động lực tinh thần to lớn để xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Nhờ trải nghiệm từ những cuộc đấu tranh nên con người xã Quyết Thắng đã được rèn luyện với bản lĩnh dầy dạn, kiên cường. Những năm 80 của thế kỷ XIX, bọn phỉ Mai Triển Nam câu kết với thực dân Pháp tàn phá cướp bóc, nhân dân ở các làng bản đã đoàn kết ngăn giặc; dưới ngọn cờ chống Pháp của thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh từ năm 1882 đến năm 1888 và cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nhân dân xã Quyết Thắng đã nhất tề cùng với các cuộc khởi nghĩa vùng dậy giết giặc cứu nước. Với tinh thần kiên cường bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc đã trở thành truyền thống yêu nước của nhân dân các dân tộc xã Quyết Thắng.

5. Tổ chức bộ máy hành chính

Tổ chức bộ máy hành chính gồm: 01 đ/c bí thư Đảng ủy xã, 01 Phó bí thư TT Đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND xã, 01 đồng chí phó bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã, 01 phó chủ tịch HĐND; 01 Phó chủ tịch UBND xã; 05 đồng chí lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể xã; 01 đồng chí trưởng công an xã; 01 đồng chí chỉ huy trưởng Ban CHQS xã; 02 công chức Văn phòng – Thống kê; 02 Công chức Địa chính – Xây dựng; 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch; 02 Công chức Văn hóa – xã hội và 01 công chức Tài chính – Kế toán.

 

About